Khi bạn mua một món đồ trang sức bằng kim cương, là bạn đang đặt niềm tin vào một giá trị sẽ luôn bền vững trước thử thách của thời gian, vì chúng là mặt hàng có giá trị rất cao nên việc phải đảm bảo rằng bạn mua đúng hàng thật và có chất lượng thật sự là điều cực kỳ quan trọng. Đó là lý do tại sao Chứng nhận Kim cương GIA (GIA Certificate) được xem là tài liệu uy tín nhất cung cấp thông tin một cách cụ thể về viên kim cương của bạn, từ những chỉ số cơ bản của Tiêu chuẩn 4C đến những thông tin chi tiết khác mà bạn cần quan tâm.
Có thể nói rằng việc hiểu rõ các chỉ số trong Chứng nhận Kim cương GIA là rất quan trọng – đặc biệt khi bạn dự định mua một chiếc nhẫn đính hôn hay món trang sức nào đó để đánh dấu một sự kiện trọng đại. Vì vậy, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về những kiến thức mà nhiều người vẫn nghĩ rằng chúng chỉ dành cho giới chuyên môn mà thôi.
Chứng nhận Kim cương GIA là gì?
Chứng nhận Kim cương GIA là tài liệu mà Viện Ngọc học Hoa Kỳ (Gemological Institute of America) phát hành sau khi kiểm tra kỹ lưỡng và tỉ mỉ viên kim cương của bạn. Nó cung cấp thông tin về mọi đặc tính quan trọng của viên kim cương. Mỗi viên kim cương đều là duy nhất. Trên thực tế, mỗi viên kim cương đều tiếp xúc với các điều kiện và yếu tố tự nhiên khác nhau khi nó được hình thành bên dưới lớp vỏ Trái đất và cũng dễ bị hao mòn trên bề mặt. Vì vậy mỗi vết xước, hay tạp chất, khuyết điểm và dấu hiệu nhận dạng riêng biệt của viên kim cương sẽ được ghi chú trên tài liệu này.
Trong quá trình đánh giá kim cương, các chuyên gia đá quý của GIA kiểm tra từng viên kim cương dưới kính hiển vi tiêu chuẩn công nghiệp công suất 10x để xác định các đặc tính độc đáo của viên kim cương, không chỉ riêng Tiêu chuẩn 4C, tức là Độ trong (Clarity), Giác cắt (Cut), Trọng lượng (Carat) và Màu sắc (Color) mà còn nhiều chỉ số khác.
Các chỉ số quan trọng của Chứng nhận Kim cương GIA
Bây giờ chúng ta đã hiểu một cách khái quát về Chứng nhận Kim cương GIA. Vậy tất cả những các yếu tố khác nhau mà các nhà đá quý căn cứ khi phân loại viên kim cương của bạn là gì và chúng có ý nghĩa như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết xem trên Chứng nhận Kim cương GIA gồm có những chỉ số gì.
Chứng nhận Kim cương GIA (Ví dụ minh hoạ)
Chỉ số Báo cáo GIA trên Chứng nhận Kim cương
Chỉ số Báo cáo GIA (GIA Report Number) hay còn gọi là số nhận dạng báo cáo, là một mã số độc nhất mà GIA cấp cho mỗi viên kim cương sau khi hoàn thành quá trình kiểm định. Đây là chỉ số lưu giữ lịch sử của viên kim cương gắn liền với các thông tin chi tiết về đặc điểm của viên kim cương đó.
Chỉ số này đóng vai trò quan trọng khi bạn muốn bán kim cương của mình. Khi bạn đưa kim cương của mình vào giao dịch trên thị trường hoặc định giá nó cho mục đích mua bán, chỉ số báo cáo GIA giúp xác định nguồn gốc và đặc điểm cụ thể của viên kim cương. Điều này tạo sự tin tưởng cho những người quan tâm đến việc mua kim cương của bạn. Họ có thể tra cứu số này trực tuyến trên cơ sở dữ liệu của GIA để xác minh thông tin về viên kim cương.
Chỉ số về Hình dạng và kiểu cắt trên Chứng nhận Kim cương GIA
Hình dạng và kiểu cắt (Shape & Cutting Style)
Chỉ số về hình dạng và kiểu cắt (Shape & Cutting Style) được xác định bởi hình dạng mà viên kim cương được cắt. Một số hình dạng kim cương phổ biến nhất bao gồm:
- Vòng tròn rực rỡ (Round Brilliant Cut)
- Dáng quả lê (Pear Shape)
- Cắt ngọc lục bảo (Emerald Cut)
- Hình ovan (Oval)
- Hầu tước (Marquise)
- Kiểu cắt đệm (Cushion Cut)
- Kiểu cắt châu Âu cổ điển (Old European Cut)
- Cắt hoa hồng (Rose Cut)…
Chỉ số về Thước đo trên Chứng nhận Kim cương GIA
Chỉ số thước đo (Measurements) cung cấp thông tin quan trọng về kích thước của viên kim cương. Được đo bằng đơn vị milimet, thước đo này bao gồm chiều dài, chiều rộng và chiều sâu của viên kim cương.
- Chiều Dài: Đo từ điểm đầu kim cương đến điểm cuối theo đường dọc.
- Chiều Rộng: Đo từ điểm ngoài cùng bên trái đến điểm ngoài cùng bên phải của viên kim cương ở phía ngang.
- Chiều Sâu: Đo từ bề mặt trên của kim cương đến đáy, chỉ ra độ dày của viên kim cương.
Chỉ số về Trọng lượng trên Chứng nhận Kim cương GIA
Trọng lượng (Carat), được đo bằng đơn vị carat, là một yếu tố quan trọng trong việc đánh giá giá trị của viên kim cương. Một carat tương đương với 0,2 gam (200 milligram), và mỗi viên kim cương đều có một trọng lượng cụ thể dựa trên kích thước và khối lượng của nó. Việc xác định được trọng lượng của viên kim cương giúp bạn đánh giá được giá trị của nó, đây cũng là một yếu tố quyết định khi bạn muốn so sánh giữa các viên kim cương khác nhau. Nếu bạn biết trọng lượng của chúng, bạn có thể dễ dàng so sánh giá trị tương đối giữa các viên.
Chỉ số về Màu sắc (Color Grade) trên Chứng nhận Kim cương GIA
Hầu hết các viên kim cương được phân loại theo thang màu không màu (thang màu GIA). Kim cương không màu được phân loại theo tình trạng không có bất kỳ màu nào (màu vàng, nâu hoặc xám có thể là từ các nguyên tố tự nhiên, chẳng hạn như nitơ, bên trong đá.) Những viên kim cương màu sắc càng ít, thậm chí là không màu, thường có giá trị cao hơn và được săn lùng nhiều hơn. Trái lại, đối với Kim cương màu đặc biệt có màu sắc lạ mắt, màu sắc càng rõ ràng thì viên kim cương càng có giá trị.
Thang màu GIA (Color Grade)
Theo bảng phân loại màu kim cương của GIA sử dụng bảng chữ cái để thiết lập thang đo của nó 23 mức độ từ hoàn toàn vô màu đến các mức màu sắc khác nhau ký hiệu từ D đến Z. Màu nước D là hoàn toàn không màu và nằm ở đầu thang đo. Tiếp theo là những viên kim cương màu nước E và nước F vẫn được xem gần như không màu, mặc dù chúng có màu sắc rất nhẹ. Kim cương nước G – J bắt đầu có màu vàng nhạt. Nước K và thấp hơn bắt đầu có màu vàng đậm và khi dần đến nước XYZ thì kim cương sẽ có màu vàng đậm hoặc nâu.
Chỉ số về Độ trong trên Chứng nhận Kim cương GIA
Độ trong (Clarity Grade) của kim cương được xác định bằng việc viên kim cương không lẫn bất kỳ tạp chất hoặc nhược điểm nào trên hoặc bên trong. Viên kim cương càng ít khuyết điểm thì độ trong của nó càng cao.
Các tạp chất là những khiếm khuyết tự nhiên nằm bên trong viên kim cương, đó là kết quả của nhiệt độ và áp suất quá lớn mà viên kim cương phải trải qua trong quá trình hình thành. Các tạp chất lạ bị cuốn vào quá trình này có thể là tinh thể, lông vũ, đốm đen Cacbon ở dạng hạt… Những khuyết điểm xuất hiện bên ngoài viên kim cương thường là vết trầy xước của con người gây ra trong quá trình sử dụng.
Khi các chuyên gia đá quý của GIA đánh giá độ trong của một viên kim cương thì những thông số về kích thước, loại, số lượng và vị trí của những điểm không hoàn hảo này đều quan trọng.
Phân cấp về Độ trong (Clarity Grade)
Thang phân loại GIA cho độ trong suốt từ cao xuống thấp:
- Hoàn Hảo (F – Flawless)
- Hoàn hảo bên trong (IF – Internally Flawless)
- Có rất rất ít tạp chất (VVS1, VVS2 – Very Very Slightly Included)
- Có rất ít tạp chất (VS1, VS2 – Very Slightly Included)
- Có một ít tạp chất (SI1, SI2- Slightly Included)
- Có tạp chất (I1, I2, I3 – Included)
Chỉ số về Giác cắt trên Chứng nhận Kim cương GIA
Chất lượng của giác cắt (Cut Grade) được xác định bởi các góc và tỷ lệ của các mặt khác nhau trên viên kim cương. Mỗi viên kim cương được đánh giá dựa trên việc nó được cắt tốt như thế nào. Tỷ lệ các góc của mỗi mặt tác động đến cách một viên kim cương phản chiếu ánh sáng, quyết định độ lấp lánh của nó. Hầu hết những viên kim cương có giác cắt được GIA xếp vào loại Xuất sắc (Excellent) đều có có tuổi thọ và độ lấp lánh rất cao. Những viên kim cương có giác cắt bị xếp loại kém sẽ ít tương tác với ánh sáng hơn và có thể trông xỉn màu.
GIA phân loại chất lượng giác cắt từ cao xuống thấp:
- Xuất sắc (Excellent)
- Rất tốt (Very Good)
- Tốt (Good)
- Trung bình (Fair)
- Kém (Poor)
Chỉ số về Độ bóng trên Chứng nhận Kim cương GIA
Độ bóng (Polish) được xác định bằng sự xuất hiện của các vết khía, độ nhám, vết rỗ hoặc vết trầy xước có thể tìm thấy ở bất kỳ vị trí nào trên bề mặt bên ngoài của viên kim cương. Sau khi viên kim cương được cắt, nó sẽ được đánh bóng để đạt được độ mịn hoàn thiện. Tuy nhiên, một viên kim cương đôi khi có thể bị hư hại một chút trong quá trình này, nhưng thường không thể nhận biết được bằng mắt thường. Vì vậy, để phân loại độ bóng của một viên kim cương, các chuyên gia đá quý sẽ rà soát để tìm ra những vết mài mòn này. Chúng có thể xuất hiện trên vành đai (Girdle) hoặc bất kỳ mặt nào, kể cả mặt bàn (Table) và mặt đáy (Culet).
Tương tự như chất lượng giác cắt, GIA phân loại độ bóng từ cao xuống thấp:
- Xuất sắc (Excellent)
- Rất tốt (Very Good)
- Tốt (Good)
- Trung bình (Fair)
- Kém (Poor)
Chỉ số về Tính đối xứng trên Chứng nhận Kim cương GIA
Tính đối xứng (Symmetry) được xác định bằng cách căn chỉnh nhiều khía cạnh của một viên kim cương theo tỷ lệ, bao gồm:
- Các góc vương miện (Crown angles)
- Sự thay đổi chiều cao (Height)
- Độ dày đáy (Girdle thickness)
- Mức độ cân đối nửa dưới (Lower half facet)
- Các mặt bị biến dạng
- Sự thay đổi độ sâu của mặt cắt (Pavilion depth)
- Mức độ cân chỉnh mặt bàn (Table)…
Các yếu tố xác định Tính đối xứng (Symmetry)
Tính đối xứng càng cao nghĩa là viên kim cương càng cân đối. Sự đối xứng là một trong những tiêu chí quan trọng quyết định vẻ đẹp và hình dáng tổng thể của viên kim cương, ảnh hưởng đến cách ánh sáng phản chiếu và khúc xạ và lan tỏa khắp viên kim cương.
Như hai chỉ số trên, GIA phân loại tính đối xứng từ cao đến thấp là:
- Xuất sắc (Excellent)
- Rất tốt (Very Good)
- Tốt (Good)
- Trung bình (Fair)
- Kém (Poor)
Chỉ số về Tính huỳnh quang trên Chứng nhận Kim cương GIA
Tính huỳnh quang (Fluorescence) là khả năng phát sáng của viên kim cương dưới tác động của tia UV. Một viên kim cương có tính huỳnh quang là viên kim cương phát ra ánh sáng 95% trường hợp là ánh sáng màu xanh dương khi được đặt trong môi trường có tia UV, khi nguồn sáng UV tắt thì viên kim cương quay trở lại trạng thái bình thường. Nguyên nhân của việc này là do viên kim cương trong quá trình hình thành hàng triệu năm đã hấp thụ thêm một số nguyên tố có đặc tính này như Nhôm (Aluminium), Bo (Boron), Nitơ (Nitrogen) từ môi trường.
Ở điều kiện bình thường, rất khó để nhận ra tính huỳnh quang của một viên kim cương bằng mắt thường. Tuy nhiên, ở một số điều kiện nhất định ví dụ trong bar/club hoặc không gian có các đèn chiếu UV công suất lớn, bạn sẽ thấy viên kim cương có tính huỳnh quang phát ra ánh sáng xanh khác lạ. Khi đi ngoài nắng gắt, một số viên kim cương có tính huỳnh quang trông sẽ mờ hơn một chút so với viên kim cương không có tính huỳnh quang.
Phân cấp Tính huỳnh quang (Fluorescence)
Tính huỳnh quang có tác động tích cực với các viên kim cương có nước thấp như (G-H-I-J…), tính huỳnh quang của kim cương giúp cân bằng và giảm bớt ánh vàng, do đó làm chúng nhìn trắng hơn so với các viên kim cương có cùng nước nhưng không có tính huỳnh quang. Đối với các viên kim cương có nước cao như (D-E-F), tính huỳnh quang đôi lúc làm viên kim cương có hiện tượng mờ, váng dầu… mặc dù tỉ lệ này khá thấp chỉ khoảng 0,2% (theo GIA).
Tính huỳnh quang ít ảnh hưởng đến vẻ đẹp của viên kim cương, nhưng nó ảnh hưởng khá nhiều đến giá trị một viên kim cương. Giá của một viên kim cương có tính huỳnh quang có thể thấp hơn từ 5% đến 40% so với một viên không có tính huỳnh quang, cho dù chúng có tất cả các thông số về tiêu chuẩn 4C là như nhau.
Dựa trên mức độ phát sáng, GIA phân cấp tính huỳnh quang từ thấp đến cao:
- Hoàn toàn không có (None)
- Mờ (Faint)
- Trung bình (Medium)
- Mạnh (Strong)
- Rất mạnh (Very strong)
Chứng nhận Kim cương GIA ảnh hưởng như thế nào đến giá trị kim cương
Bây giờ có thể bạn đã hiểu được các chỉ số trên Chứng nhận Kim cương GIA, đã hiểu rõ hơn về các tiêu chí mà các chuyên gia đá quý hoặc người mua xem xét khi đánh giá viên kim cương của bạn.
Mặc dù có nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới có thể cung cấp chứng nhận nhưng Chứng nhận Kim cương GIA được coi là một trong những báo cáo đáng tin cậy nhất hiện nay. Hơn nữa, khi bạn mua kim cương có Chứng nhận GIA, bạn có thể hoàn toàn yên tâm khi biết rằng chúng đã được trải qua một quá trình kiểm tra nghiêm ngặt và khách quan. Có nghĩa là, nhờ vào Chứng nhận Kim cương GIA, bạn sẽ có thể xác định được mình có đang trả đúng mức giá cho món đồ quý giá hay không.
Trên thực tế, một viên kim cương cũng không bị giảm giá trị nếu không có Chứng nhận Kim cương GIA. Chúng chỉ đơn giản giúp xác định và đánh giá tất cả các đặc điểm tốt và xấu của viên kim cương. Nếu bạn đang có một viên kim cương cần giám định chất lượng, bạn có hãy tìm đến các cơ sở kim cương uy tín để nhờ sự thẩm định từ các chuyên gia đá quý.
Quế Jewelry – Địa Chỉ cung cấp Kim Cương Uy Tín có Chứng nhận GIA
Để đảm bảo tính an toàn và chất lượng, việc lựa chọn mua trang sức tại từ các cửa hàng uy tín là rất quan trọng. Quế Jewelry là một địa chỉ tin cậy, cung cấp trang sức kim cương chất lượng được đảm bảo bởi Chứng nhận Kim cương GIA. Thương hiệu Quế Jewelry đã xây dựng uy tín qua nhiều năm, đội ngũ thợ kim hoàn có kỹ năng cao, tạo ra các sản phẩm tinh tế và đẳng cấp, có thể làm hài lòng cả những khách hàng kỹ tính nhất. Điều này đã khiến cho Quế Jewelry trở thành lựa chọn ưu việt khi chọn mua trang sức kim cương.
ĐẶT LỊCH HẸN VỚI QUẾ JEWELRY
Gọi hotline hoặc nhắn tin qua Zalo số 090 245 64 88
Đội ngũ tư vấn nhiệt tình luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn
166 Lê Thánh Tôn – P. Bến Thành Quận 1 – TP. HCM
QUẾ JEWELRY
Tự tin là một trong những thương hiệu đi đầu trong ngành trang sức, với hơn 30 năm kinh nghiệm chế tác kim hoàn và xưởng sản xuất trang sức quy mô lớn, chúng tôi mong muốn gửi gắm tâm tư của từng khách hàng lên mỗi món trang sức cùng sự minh bạch về thông tin giao dịch hàng hoá giữa thị trường trang sức ngày nay.
CỬA HÀNG QUẾ JEWELRY
Tinh hoa chế tác kim cương thiên nhiên với 30 năm kinh nghiệm